Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo đó, để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng. Ưu tiên nguồn lực triển khai trực giám sát, bảo đảm an toàn thông tin mạng 24/7; rà soát, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng bảo mật cho hệ thống thông tin, thực hiện theo dõi, xử lý các văn bản cảnh báo an toàn thông tin mạng hàng tuần, hàng tháng do Cục An toàn thông tin công bố tại địa chỉ: https://khonggianmang.vn/canhbaoattt/, nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (IRlab.vn) và từ các cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp; chủ động thực hiện kiểm tra, đánh giá, phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật; Xây dựng các kế hoạch, phương án ứng cứu khẩn cấp để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó, xử lý sự cố tấn công mạng. Thực hiện sao lưu dữ liệu theo nguyên tắc 3-2-1…
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số cần tăng cường nguồn lực thực hiện trực giám sát, hỗ trợ và khắc phục sự cố bảo đảm hạ tầng viễn thông, internet an toàn, thông suốt; triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất nhằm phát hiện, chặn lọc, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng; tăng cường theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo; thực hiện nghiêm và kịp thời các biện pháp xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị, trường hợp cần hỗ trợ giám sát, xử lý, ứng cứu sự cố, liên hệ với Cục An toàn thông tin qua đầu mối: Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), điện thoại 024.3640.4421; Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), điện thoại: 02432091616; Phòng An toàn hệ thống thông tin, số điện thoại trực đường dây nóng hỗ trợ tổng thể các giải pháp an toàn thông tin 0888.133.359.
P.TT