Quản lý nội dung HTML

Breadcrumb

Tin tức

Your Website Title
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP
Người đăng tin: Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên Ngày đăng tin: 20/10/2024 Lượt xem: 22

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đối với Phú Yên, việc ứng dụng công nghệ số vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại kết quả rõ rệt, giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ và quảng bá du lịch địa phương.


          Cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP

          Chuyển đổi số như một đòn bẩy để phát triển kinh tế, thúc đẩy sự kết nối giữa các nhà sản xuất với thị trường tiêu thụ. Với sự hỗ trợ của các nền tảng thương mại điện tử, các sản phẩm OCOP của Phú Yên không chỉ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Thay vì chỉ phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống, các sản phẩm nông sản và thủ công mỹ nghệ của tỉnh giờ đây được quảng bá rộng rãi qua các kênh trực tuyến, như phuyentrade.gov.vn và các nền tảng Shopee, Tiki, Lazada, Tiktok hiệu quả hơn.

          Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) cho biết, HTX có 9 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao. Ngoài kênh bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh, hiện HTX tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok; đồng thời chủ động lập website tại địa chỉ http//:nangtamnongsanviet.com kết hợp với kênh Youtube và cả Facebook cá nhân... Ước tính sản phẩm OCOP được tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt từ 40-60% tổng sản lượng tiêu thụ của HTX.

          Tương tự, để mở rộng thị trường, Cơ sở sản xuất Giò chả bà Hân (huyện Phú Hòa) cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Chị Nhật Hân, chủ cơ sở đã chủ động xây dựng kênh TikTok, liên kết với các nhà sáng tạo nội dung số, các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm và tham gia các hội nhóm bán hàng online trên Facebook. Nhờ đó, lượng khách hàng nhiều hơn và doanh số liên tục tăng. Chị cũng cho biết: cơ sở đang nỗ lực đa dạng các mặt hàng từ thịt, ngoài chả lụa, chả da ớt xiêm, còn có nem chua, xúc xích, lạp xưởng, nem nướng… theo tiêu chí “ăn sạch, sống khỏe”, “nguồn sạch, vị ngon”. Cửa hàng bán lẻ mới mở của vợ chồng chị tại thành phố Tuy Hòa, hiện đang bày bán các sản phẩm OCOP “nhà làm” và các mặt hàng OCOP khác của tỉnh, thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh đang được bày bán tại các cửa hàng trên địa bàn TP Tuy Hòa

               Tầm nhìn và định hướng phát triển

          UBND tỉnh Phú Yên đã xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn tới là phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4-5 sao, đặc biệt là các sản phẩm tiềm năng về du lịch cộng đồng và sản phẩm dịch vụ du lịch. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP không chỉ giúp Phú Yên khẳng định được vị thế của mình trong nước mà còn tạo điều kiện để các sản phẩm này có thể tham gia vào các thị trường lớn hơn.

Sản  phẩm OCOP của tỉnh tại Hội chợ triển lãm thương mại và du lịch Phú Yên năm 2024

          Để làm được điều này, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ phát triển, quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi số được xem là một trong những giải pháp hàng đầu, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung vào việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sản xuất bền vững và giữ vững các giá trị truyền thống của từng địa phương.

          Đơn cử như, tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), các sản phẩm từ sen như bột hạt sen, trà tim sen, sen sấy… đã được nâng cấp đáng kể nhờ vào sự hỗ trợ của chương trình OCOP. HTX đã ký kết hợp đồng với các siêu thị và doanh nghiệp lớn, giúp sản phẩm sen Phú Yên được mở rộng thị trường ra toàn quốc. Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX đang được UBND huyện đầu tư kinh phí gần 1 tỉ đồng để mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị… nhằm nâng hạng các sản phẩm lên OCOP 4 sao”.

          Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT, Cơ quan thường trực Chương trình OCOP tỉnh, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình. Đồng thời hướng dẫn chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và áp dụng mã vạch cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, tại địa chỉ http://phuyentrade.gov.vn và các trang thương mại điện tử bán hàng khác như Postmart, Lazada…

          Chuyển đổi số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sự kết hợp giữa công nghệ và những giá trị truyền thống của các sản phẩm địa phương không chỉ giúp nâng cao giá trị mặt hàng mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân, doanh nghiệp và HTX. Với tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân vào công cuộc chuyển đổi số, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc đưa sản phẩm OCOP Phú Yên vươn xa hơn nữa, tạo dựng thương hiệu bền vững trên thị trường trong nước và cả quốc tế.

 

          M. Khánh

 


Chuyên mục, tin tức liên quan:

Tin tức

Tin tức

Bản tin chuyển đổi số

Quản lý Video

Danh sách kiểu

 
Kế hoạch tắt sóng 2G
Xem thêm

Dịch vụ công

Nhúng IFrame

Văn bản điện tử

Nhúng IFrame

Cẩm nang chuyển đổi số

Quản lý nội dung HTML

TRANG THÔNG TIN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH PHÚ YÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Đào Phạm Hoàng Quyên - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên

Địa chỉ: Số 10 Trần Phú - P7 - TP Tuy Hòa - Tỉnh Phú Yên. Điện thoại: 02573 843 171. Email: stttt@phuyen.gov.vn

Bản quyền thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên

Đăng nhập