Đó là một trong những nhiệm vụ tại Kế hoạch 39/KH-UBND về việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành.
100% sở, ban ngành, địa phương bố trí đầu mối chuyển đổi số
Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số. Tăng cường bố trí biên chế từ nguồn biên chế của tỉnh cho cơ quan chuyên trách chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về chuyển đổi số.
100% sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã chú trọng bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. 100% các tổ chức, cá nhân trong mạng lưới chuyển đổi số được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số. Nghiên cứu, xây dựng, phát triển và phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, mạng lưới chuyển đổi số của tỉnh được hình thành, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số. 100% đội ngũ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số hằng năm được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.
Các đơn vị, địa phương tham gia một hội thảo chuyển đổi số do Sở TT&TT tổ chức. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG
Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số ở địa phương theo quy định; xác định rõ nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì triển khai; nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì, thuê ngoài dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì, huy động sự tham gia của xã hội để triển khai.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số trên nguyên tắc không làm tăng biên chế cán bộ, công chức; không làm tăng tổ chức, bộ máy của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của Kết luận 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, các sở, ban ngành tăng cường thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đến các phòng ban và đơn vị trực thuộc có hoạt động liên quan chuyển đổi số; bố trí bộ phận hoặc nhóm ít nhất 2 biên chế làm công tác chuyển đổi số, thực hiện quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số trong chuyên ngành liên quan, do lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách. Kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung chức năng nhiệm vụ và tăng cường biên chế từ nguồn biên chế được giao cho đơn vị đảm bảo công tác chuyển đổi số đến các phòng ban và đơn vị trực thuộc có hoạt động liên quan chuyển đổi số; điều chỉnh vị trí việc làm có chuyên môn phù hợp cho chuyển đổi số và tuyển bổ sung nguồn lực kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số và các hoạt động CNTT tại đơn vị. Kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chuyển và tăng cường biên chế từ nguồn biên chế được giao của tỉnh cho Sở TT&TT thực hiện công tác chuyển đổi số.
Đối với UBND cấp huyện, bố trí bộ phận tham mưu thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương; đầu mối tại các cơ quan chuyên môn đảm bảo thực hiện chuyển đổi số chuyên ngành. Tăng cường vai trò, nhiệm vụ theo chuyên môn vị trí việc làm và biên chế cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số tại địa phương. UBND cấp xã tăng cường chuyên môn vị trí việc làm thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý của xã; bố trí cán bộ, công chức tham gia mạng lưới chuyển đổi số.
|
Nguồn: Báo Phú Yên